Vietnamese - Vietnamese dictionary
Jump to user comments
version="1.0"?>
- (Canh Thân 1800 - Quý Dậu 1873)
- Đại thần triều Nguyễn, Liệt sĩ cận đại, tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh ngày 21-7 năm Canh Thân (1800 có sách chép năm 1779), quê làng Đường Long (Chí Long) Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, tước Tráng Liệt Bá. Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Vì nhà nghèo nên không xuất thân từ khoa bảng, nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên sự nghiệp lớn rồi hi sinh vì Tổ quốc
- Năm Quý Mùi 1823 vua Minh Mạng đề bạt ông hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các, 2 năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ, năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh. Năm 1832 sung phái bộ sang Trung Quốc liên hệ việc thương mại, năm 1835 ông nhận lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang. Việc thành công ông được thăng hàm Thị lang. Năm 1837 bị triều thần dèm pha, ông mạnh dạn chống lại những hành động xấu xa của các viên đại thần nên bị giáng xuống làm thơ lại ở bộ Lại. Cuối năm được khai phục hàm Chủ sự, sung chức Lang trung. Năm sau thăng Thị lang bộ Lễ, năm 1839 thăng hàm Tham tri làm việc ở Nội các. Năm Canh Tí 1840, được bổ làm Tuần phủ Nam Nghĩa trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Công việc hoàn thành tốt đẹp ông được triệu về kinh thăng Tham tri bộ Công được vua Triệu Trị cử làm Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên), tại đây ông dẹp tan được các toán giặc cướp nước ngoài vào quấy phá. Sau đó được cải bổ Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) kiêm khâm sai quân thứ đại thần, Hiệp biên đại học sĩ rồi được thưởng danh hiệu "An Tây trí dũng tướng". Thàng 5-1847 ông được triệu về kinh thăng thực thụ Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Công, tước Tráng liệt Tử và được ban một bài Ngọc có khắc bốn chữ "Quân kì thạc phụ" được chép công trạng vào bia đá ở Tòa Võ miếu Huế
- Sau khi vua Thiệu Trị mất, ông được đình thần tôn làm Phụ chính Đại thần (theo di chiếu). Năm Mậu Thân 1848, vua Tự Đức phong ông tước Tráng Liệt Bá, thân phụ qua đời ông xin về cư tang, nhưng vì đang làm Phụ chính nên chỉ được nghỉ một thời gian ngắn phải ra làm việc tại triều đình. Năm Canh Tuất 1850, vua Tự Đức chuẩn phê cải tên ông là Nguyễn Tri Phương (lấy ý câu chữ "Dõng thả Tri Phương" nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu chước). Từ đó tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông. Sau đó ông được sung chức Khâm sai Tổng thống quân vụ đại thần kiêm lãnh Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Năm 1853 được thăng thực thụ Điện hàm Đông các đại học sĩ, rồi lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông có công lập được nhiều đồn điền, khai khẩn đất hoang, dân cư ở địa phương được an cư lập nghiệp
- Năm Mậu Ngọ 1858, tàu chiến Pháp đến uy hiếp Đà Nẵng, vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống giặc. Với vũ khí tối tân, Pháp đã uy hiếp và phá hủy một số lớn đồn lũy của ta, ông bị triều đình giáng cấp nhưng vẫn lưu tại chức. Năm 1860 ông được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Tại đây ông xây dựng đại đồn Chí Hòa (còn gọi là Kỳ Hòa) để chống nhau với giặc Pháp xâm lược. Ngày 25-10-1861 quân Pháp công phá đại đồn. Ông chỉ huy quân lính chống cự quyết liệt. Nhưng rồi ông bị thương (em ruột ông là Nguyễn Duy tử trận) đại đồn thất thủ, Gia Định bị chiếm, ông bị cách chức xuống làm Tham tri, qua năm sau được hàm Binh bộ Thượng thư, sung Đổng nhung quân vụ Biên Hòa. Năm 1862 sau khi triều đình Huế ký hàng ước, ông được cử ra Bắc làm tổng thống Hải An quân vụ, thăng chức Võ Hiển Đại học sĩ tước Tráng Liệt Bá. Năm Nhâm Thân 1872 ông được điều về giữ chức Tuyên sát đổng sứ đại thần thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ
- Năm 1873 nhân tên lái súng Jean Depuis hoành hành ở Bắc, Soái phủ Nam Kì lại phái Francis Garnier đem quân ra uy hiếp ở Hà Nội. Ngày 19-11-1873 Garnier đánh úp thành Hà Nội. Do áp lực của quân địch, con trai ông là Phò mã Nguyễn Lâm bị đạn chết tại trận, ông bị trọng thương, được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa". Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20-12-1873 (1-11 Âm lịch), thọ 73 tuổi, thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Vua Tự Đức tự soạn bài văn tế khóc ba vị công thần và cho lập đền thờ ông tại quê nhà
- Hồi còn sống, Nguyễn Tri Phương rất ít làm thơ, nhưng năm 1866, nhân tiễn Phan Thanh Giảng vào Nam nhậm chức ông có bài thơ tặng Kinh lược sứ Phan Thanh Giảng:
- Ven ngàn góc bể dặm chơi vơi,
- Vui tỏ phân nhau một bước đời
- Cá lại Long giang hai ngã nước,
- Nhạn về du hợp một phương trời
- Nửa hồ cố cựu trông lai lảng,
- Cạn chén tư hương gió lộng khơi
- Hãy kịp Tràng An mau trở lại,
- Thăm người viếng cảnh hỡi người ơi !