Truyện ngắn của Phan Trang Hy
PHÓNG SINH CHỮ NGHĨA
Được cái con la hán này tạp ăn lắm! – Thắng, em vợ tôi, giọng hồ hởi nói tiếp – Anh biết không, mỗi lần em cho nó ăn, nó lượn lên, lượn xuống ra chiều thích thú lắm. Ăn xong, nó gật gật cái đầu ra vẻ biết ơn. Lạ thật, cái giống này cũng khôn chi lạ!
Tôi nghe chỉ mà nghe. Quả thật, tôi chẳng có cái thú nuôi cá cảnh. Vả lại, thời gian đối với tôi, ngoài chuyện đi dạy ở trường, về nhà, tôi còn phải bươn chải, kiếm tiền lo cho con, cho vợ. Hết đi kèm ở Liên Chiểu, đến Ngũ Hành Sơn, hết Hải Châu tới Cẩm Lệ. Tôi tất bật, nên đâu còn thời gian thưởng thức thú vui cá cảnh. Mặt khác, tôi thú thật là tôi chẳng có tí kinh nghiệm gì về việc nuôi cá cảnh; không có kinh nghiệm thì dễ gì nuôi! Cá cảnh đắt giá lên tới 5, 7 triệu một con, chớ đâu có phải củ sắn luộc đâu. Bằng cả tháng lương của tôi, chớ chẳng chơi đâu. Chưa hết, ngoài chuyện lo cho cá ăn, làm vệ sinh hồ, gắn ống ôxy, lọc nước, còn biết bao công đoạn phức tạp. Mà những việc ấy đối với tôi như là cực hình vì thời gian đâu nhàn nhã.
Nhìn con la hán đang bơi, ra bộ biết ơn khi được ăn những miếng thịt bò, tôi nghĩ lời của cậu em vợ có cái đúng. Rồi cậu em tôi khoe với tôi là từ khi có con la hán này, gia đình cậu vui lắm. Trước đây, vợ của cậu không thích hát, dù cô ấy dạy nhạc ở một trường tiểu học. Phụ huynh than phiền, học sinh thấy chán môn nhạc, hiệu trưởng phê bình..., nhưng cô ấy chẳng tỏ vẻ đam mê âm nhạc. Thế nhưng, từ ngày có con la hán, vợ cậu ta bắt đầu hát hò. Lạ lắm, giọng cô ấy càng ngày càng hay ra. Khi nấu ăn, cô ấy cũng vui vẻ hát, có lúc vừa ăn vừa hát. Đặc biệt, khi làm vệ sinh, cô ấy cũng cất tiếng hát khe khẽ. Luôn miệng hát. Cô ấy hát vui theo mùa. Vui ra phết. Mùa nào có bài hát ấy, đúng đề tài. Dần dần, cô đi hát thêm trong các lễ cưới. Thu nhập cũng tăng dần lên. Đời sống ngày càng khấm khá. Rồi đùng một cái, cậu em tôi hí hửng khoe với tôi rằng cậu ta được lãnh đạo cất nhắc lên làm trưởng phòng.
Công việc cậu em tôi cũng chẳng khó gì. Là trưởng phòng, suốt ngày chỉ đi họp. Mọi việc có cấp dưới phụ trách từng bộ phận lo. Cậu ta chỉ có việc đọc lướt công văn, tài liệu, còn thì chỉ có kí các giấy tờ. Hàng tuần công văn cao hàng tấc. Lỡ hôm nào văn thư ốm, cậu cũng chẳng biết hết nội dung các công văn đi, đến được. Nhưng, cậu em tôi cho rằng chẳng có gì mệt óc cả. Nếu có mệt là chẳng biết mình phải làm gì trước, làm gì sau. Công việc lúc thì thấy trọng tâm, lúc thì then chốt, lúc thì cốt lõi, lúc thì cơ bản... Đủ thứ quan trọng! Lúc thì thi đua phong trào này, phong trào nọ. Công việc nói thế cũng có lúc làm cho con người mệt mỏi. Có khi, cậu em tôi than: “ Em cứ tưởng làm trưởng phòng là phải có kế hoạch đột phá để công việc tiến triển. Ai ngờ công việc cứ phải làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Nếu vậy, thì ai làm trưởng phòng cũng được. Không biết em có hồ đồ không?”. Tôi cười trừ. Ngẫm lời nói của cậu ấy cũng có cái đúng. Không mợ chợ cũng đông kia mà. Kể cả tôi ở cõi đời này.
Hồi còn trẻ, khi bước vào nghề dạy học, tôi nghĩ mình ghê gớm lắm. Chữ nghĩa như thấm vào da thịt, toát ra ngoài. Có thời, chữ nghĩa làm xơ xác mướp thân xác tôi. Nhìn là biết tôi đam mê nghề dạy học đến cỡ nào. Này nhé, chiếc xe đạp cà rịch cà tàng, lốp phải bó, may lại triên, như thế mới là người chuyên chở chữ nghĩa đầy tính giai cấp tiên tiến. Chưa hết, là nhà giáo phải thanh bần, nghĩa là sống khổ sở mà vẫn lạc quan, ra vẻ trí thức của thời đại. Không thanh bần cũng không được. Nhà giáo chúng tôi, một thời, cùng nhóm với nhà văn, nhà thơ, nhà báo và... nhà nghèo.
Cuộc đời mãi là chuỗi thời gian của công việc. Và tôi mãi là thầy giáo dạy Trung học cơ sở. Bạn tôi, có đứa phấn đấu làm hiệu trưởng, có đứa bỏ nghề, hoặc chuyển ngành nghề, kiếm việc làm có thu nhập khá hơn nghề dạy học. Mấy đứa rời khỏi nghề dạy khỏi phải nói. Chúng dóc tướng lắm. Những lần gặp mặt nhau, chúng thường chép miệng như thể thông cảm cho tôi phải chịu kiếp làm anh giáo “quèn”. Nhiều lúc tôi thấy rõ chúng thương hại tôi. Thôi, kệ chúng! Còn những thằng bạn làm hiệu trưởng, mỗi lần gặp nhau cũng có chút thông cảm cho nhau. Bởi cùng ngành nghề mà. Chúng tôi hiểu rõ nỗi khổ của nhau trong nghề. Trực tiếp giảng dạy có cái cực của giảng dạy. Làm hiệu trưởng có cái cực của hiệu trưởng. Chúng tôi đều cảm nhận được cuộc họp nào ở các trường cũng từng ấy thứ việc. Một mớ công văn phải phổ biến cho giáo viên. Không thể không phổ biến. Còn phải ghi vào biên bản để làm chứng cứ khi có sự cố, hoặc ở trên về kiểm tra, đánh giá, xếp loại... Nào là phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thi học sinh giỏi, hội khỏe Phù Đổng, phòng chống thuốc lá, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ vệ sinh môi trường, thực hiện việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, thi vẽ tranh về thành phố thân yêu, thi viết thư UPU, thi giải toán trên mạng, thi soạn bài giảng E-learning... luôn thúc giục chúng tôi. Rất nhiều thứ. Có những thứ không đâu vào đâu. Biết không liên quan đến chất lượng dạy và học mà vẫn phải làm, phải thực hiện. Không làm thì bị cấp trên phê bình dù cấp trên biết việc đó là không cần thiết.
Tiếng cậu em làm tôi thức tỉnh:
- Nè! Anh xem chữ trên mình con la hán đẹp không? - Vừa nói cậu ta vừa chỉ con cá đang lượn nhẹ trong hồ. Không đợi tôi trả lời, cậu ta hỏi tiếp – Theo anh, đây là những chữ gì?
Tôi nhìn kĩ con cá. Đèn điện chiếu sáng, nước đang được lọc. Con cá ung dung đớp những lát thịt bò. Trên thân nó hiện lên dòng chữ. Mỗi bên có bốn chữ thì phải. Chữ ẩn hiện như thư pháp. Lúc tôi thấy như chữ Quốc ngữ, lúc như chữ Hán, lúc thì như chữ Ả-rập. Tôi vẫn không thể hiểu đó là những chữ gì. Gọi là chữ Hán cũng không phải vì không lẽ mình là người Việt lại sính chữ Hán nên cho nó là chữ Hán. Không lẽ cái tư tưởng lệ thuộc văn hóa Tàu vẫn còn trong đầu óc của tôi. Nhiều lần tôi thầm nghĩ cớ sao một số người chẳng biết một tí gì về chữ Hán, lại treo trong nhà một số chữ Hán như ra vẻ quân tử? Cớ sao một số đền, chùa, đình, miếu mới xây dựng, hoặc tu sửa lại vẫn để câu đối viết bằng chữ Hán? Sao không là chữ Quốc ngữ để ai cũng có thể đọc được, ai cũng có thể biết được?
Bỗng có tiếng điện thoại reo. Cậu em tôi xin lỗi tôi. Cậu nghe máy. Tôi nghe tiếng cậu nó. “Được!... Nếu được giá thì tôi để cho anh. Hẹn mai gặp lại”. Khi tắt điện xong, cậu ta khoe với tôi: “Có một đại gia muốn mua con la hán này để lấy hên. Mai họ đến xem”...
(còn tiếp)