Mạo muội lập một topic trong "góc" này. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ mọi người.
I. " Tam Quốc diễn nghĩa " gọi đầy đủ là " Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa " của La Quán Trung dựa trên 3 nguồn tài liệu:
- Sử sách: đặc biệt là cuốn sử biên niên " Tam Quốc Chí " do Trần Thọ (người nhà Tấn) và " Tam Quốc chí chú " của Bùi Tùng Chi ( người Nam Bắc Triều )
- Dã sử, truyền thuyết, truyện kể dân gian.
- Tạp kịch và thoại bản đời Nguyên, đặc biệt là cuốn " Tam Quốc chí bình thoại " với các nhân vật có hình dáng và tính cách không khác xa lắm với thời Tam Quốc.
Do đó có thể thấy rằng tác phẩm " Tam Quốc diễn nghĩa " của La Quán Trung đã hình thành qua một quá trình sáng tạo có thời gian lâu dài và của rất nhiều người, nhưng ông là người có công chọn lọc, sắp xếp, dàn dựng những sự việc và con người đó, trước sau không nhất quán để trở thành một chỉnh thể thống nhất theo một cách nhìn riêng biệt.Hơn thế nữa, bằng tài năng văn chương xuất chúng đã vẽ nên được một bức tranh lịch sử sống động, tạo dựng được những nhân vật lịch sử có xương thịt, có lời ăn tiếng nói riêng, có diện mạo và tính cách không lẫn với ai, trở thành những nhân vật điển hình chịu được sự thử thách của thời gian.
La Quán Trung là người chịu ảnh hưởng của tư tưởng " tôn quân " nên ai tôn phò nhà Hán thì dù bất tài cũng được tô vẽ thành anh hùng, tài năng quán thế, nhân cách cao thượng; ai chống lại nhà Hán - mặc dù đó là một triều đại đã mọt ruỗng - thì dù tài năng quán thế cũng trở nên bất tài, tư cách hèn hạ.
II. “Tam Quốc diễn nghĩa” có vị thế như thế nào?
Đừng cho rằng hình tượng văn học hoặc hình tượng dân gian chỉ là hư cấu, không có tác dụng gì. Trên thực tế, nhiều người coi " Tam Quốc diễn nghĩa " như sách giáo khoa của cuộc đời, ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của người Trung Quốc. Biết bao thế hệ người Trung Quốc say mê “Tam Quốc diễn nghĩa”, người làm tướng tìm thấy ở đây mưu thần chước quỷ, kẻ làm quan rút ra ở đây những xảo thuật trị dân, triều Mãn Thanh còn lệnh cho hoàng gia phải thuộc lòng “Tam Quốc diễn nghĩa”. “Tam Quốc diễn nghĩa” trở thành sách gối đầu giường từ dân đến quan ở Trung Quốc, chí ít trong khoảng 500 năm lịch sử.
" Tam Quốc diễn nghĩa " là bộ truyện dài đầu tiên trên lịch sử văn học Trung Quốc, là bộ tiểu thuyết lịch sử mở đường cho một trường phái, khiến Trung Quốc trở thành nước có tiểu thuyết lịch sử phong phú nhất trên thế giới. Nó được quần chúng yêu mến và đã vượt qua ranh giới một nước, đi vào đời sống văn học nhiều dân tộc, nhất là ở vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, " Tam Quốc diễn nghĩa " đã được biết đến từ lâu và nhiều nhân vật, nhiều sự kiện của tác phẩm đã trở thành đề tài xướng họa, ngâm vịnh trong thơ ca, trở thành cốt truyện văn học cho một số vở tuồng Lưu Thục, Gia Cát, Quan Công, Tào Tháo, Kế Điêu Thuyền, hồi trống Cổ Thành, Tôn phu nhân qui Thục v.v... đã trở thành những điển cố được vay mượn để bộc lộ lòng yêu nước, để ca ngợi tài năng và bản lĩnh để lên án gian thần nịnh đảng, để biểu dương lòng dạ ngay thẳng, để biện hộ cho chữ "quyền biến" của nhà nho. Điều cần lưu ý là khi được Việt Nam hóa, những điển cố đó trở thành những biểu tượng không liên quan gì lắm đến xuất xứ cụ thể của nó nữa.
Dù là hình tượng văn học hay hình tượng dân gian đều để lại những gợi ý cho người đời. Sự hình thành và lưu truyền một hình tượng nào đó là có lí do của nó. Nhiệm vụ của các nhà sử học là tìm ra cái lý ấy.
III. Ba bộ mặt của nhân vật và sự kiện lịch sử:
1. Bộ mặt ghi lại trong chính sử, gọi là hình tượng lịch sử, là bộ mặt do các nhà sử học chủ trương. Cần nói thêm rằng, hình tượng lịch sử có khi không đúng với bộ mặt thật trong lịch sử. Vì trong tay ta không còn những tài liệu nguyên gốc. Ta phải dựa vào những gì ghi chép về lịch sử, chủ yếu là trong chính sử.
Nhưng chính sử đôi khi cũng có chỗ không tin cậy. Chính vì vậy mà nhà sử học nổi tiếng Lã Tư Dật từng cảnh báo: “Một số ghi chép trong “Tam Quốc chí” và “Hậu Hán thư” chưa chắc đã đủ độ tin cậy”. Ví dụ: nhà Thục - Hán không đặt chức quan chép sử, nên những ghi chép về Thục - Hán đều dựa vào chuyện kể, hoặc tin tức vỉa hè, khiến chúng ta chỉ còn hy vọng vào những khảo chứng của các nhà sử học. Hơn nữa, quan điểm của các nhà sử học cũng không thống nhất. Tất cả những điều đó, khiến lịch sử có thời gian càng xa thì "tam sao thất bản" càng lớn, “Tam Quốc diễn nghĩa” đã chứng minh điều đó.
2. Hình tượng lịch sử của các nhân vật lịch sử trong tác phẩm văn nghệ (thơ ca, tiểu thuyết...) gọi là hình tượng văn học do các nghệ sĩ dựng nên trong tác phẩm văn học. Chu Du, Gia Cát Lượng, Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền... trong " Tam Quốc diễn nghĩa " là những trường hợp điển hình. Những nhân vật lịch sử này đã được La Quán Trung gán cho một bộ mặt hoàn toàn khác trong chính sử và cả trong đời thường.
3. Hình tượng các nhân vật lịch sử do dân chúng dựng nên, ta gọi là hình tượng dân gian. Vì mỗi chúng ta hầu như đều có một "gu" riêng, hợp với mình thì mình thích & ngược lại, nhưng nhân vật lịch sử có thế nào thì nói thế ấy, không thêm không bớt. Hình tượng dân gian này nhiều khi khác xa hình tượng văn học.
Ví dụ: Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lưu Bị được giới thiệu là dòng dõi hoàng tộc, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương, Hoàng đế đất Ba Thục, nhưng trong dân gian thì được coi là ông tổ của nghề đan lát, vì ông này xuất thân từ nghề dệt chiếu, đan giày cỏ; Quan Vũ xuất thân từ nghề buôn nên dân gian thờ là Thần Tài??; Trương Phi là võ tướng, dũng mãnh là thế, nhưng lại được coi là ông tổ của nghề đồ tể, vì Trương Phi xuất thân làm nghề mổ lợn.
IV. Ba cách đọc đối với lịch sử:
1. Đứng trên lập trường cổ nhân mà đọc, Tiền Chung Thư gọi là “ý kiến của lịch sử”.
2. Đứng trên lập trường hiện đại mà đọc, Tiền Chung Thư gọi là “ý kiến thời nay”.
3. Đứng trên lập trường cá nhân mà đọc, gọi là “ý kiến cá nhân”.
Bất kể ai nói về lịch sử đều phải đụng đến ba ý kiến này
Dịch giả : Lương Duy Thứ & Trần Đình Hiến
Edited by: H_Dragon