Originally Posted by
chuồnchuồn say nắng
Sách Tiếng Việt làm hỏng tiếng Việt
Sách giáo khoa chính là cây cầu nối giữa lứa tuổi nhỏ với cuộc sống mà các em chưa có dịp bước vào, tuy vậy, bộ sách giáo khoa đang sử dụng ở cả 3 cấp đều có những cái sai mang tầm thời đại, vượt ra ngoài hình dung của tất cả mọi người.
Sách giáo khoa tiểu học là cây cầu nối lứa măng non với cuộc sống: tình yêu với gia đình, thầy cô, bè bạn, trường lớp; lòng yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc, dân tộc, cây cỏ, muông thú, thiên nhiên; lòng yêu thi ca, nghệ thuật. Trong đó có vẻ đẹp của ngôn ngữ sẽ được khai mở, vun đắp buổi đầu...
Nhưng hãy lấy sách Tiếng Việt 1 tập hai làm thí dụ. Cái được duy nhất của nó là ở những bài thơ đưa vào, trong đó chứa đựng những hình ảnh, nhịp điệu, không gian sống và tình cảm trong trái tim người. Còn ngoài ra, những gì đem dạy cho các em đều khó có khả năng gây hứng thú, nói gì tới cảm xúc thẩm mỹ, bởi sự ngay đơ vô cảm của chúng.
Những từ như nhân dịp, chụp đèn, khoai lang, áo choàng, đoạt giải, kể chuyện... dạy được các em cái gì về mặt ngôn từ? Trong khi cũng với những vần ấy, những từ gợi hình ảnh, gợi âm thanh, gợi cảm xúc hơn lại không được đưa vào: rộn rịp, lụp bụp, thoai thoải, đì đoàng, loạt xoạt, xao xuyến...
Bài viết dưới đây liệu có xứng mang ra dạy các em học tiếng Việt: "Thứ năm vừa qua, lớp em tổ chức lao động trồng cây. Cây giống được các bác phụ huynh đưa từ vườn ươm về". Đó thuần túy là một mẩu tin thông tấn, cực kỳ khô khan thô thiển.
Một bài khác có nhan đề Trường em: "Trường học là ngôi nhà thứ hai của em. Ở trường có cô giáo hiền như mẹ, có nhiều bạn bè thân thiết như anh em. Trường học dạy em thành người tốt. Trường học dạy em những điều hay. Em rất yêu mái trường của em". Có ai trong chúng ta hy vọng rằng tâm hồn các em sẽ được đánh động bởi một lô khái niệm mang tính khẩu hiệu cứng đờ và đã bị xài đến mòn nhẵn như thế? Có ai tin rằng với câu kết khô như ngói đầy vẻ áp đặt kia, người ta buộc được các em yêu mái trường của mình?!
Hãy so sánh chúng với bài tập đọc mà không một học sinh nào của thời trước lại không cất giữ trong tim mình, cho dù có trải qua bao thăng trầm của năm tháng: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học...". Có thể nói gì về sự khác nhau quá lớn trong hai bài cùng để dạy tiếng Việt cho học sinh cấp một?!
Lại có một số từ như quần soóc, boong tàu, cải xoong mà bắt các em tìm từ có vần tương đương thì đúng là người làm sách hoàn toàn không cần biết ai học sách của mình. Với loại từ có gốc tiếng Pháp này, một sinh viên ngữ văn hiện nay chưa chắc đã nắm được, sao lại đánh đố các cháu bé mới bước đầu làm quen tiếng Việt. Liệu những người làm sách giáo khoa có thể mang tới cho các cháu cái gì, bằng cái cách mà họ đang làm ??!!
Theo Thanh Nien