Warning: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in ..../includes/class_bootstrap.php(430) : eval()'d code on line 456
Thơ Đường Luật - Page 3
Page 3 of 3 FirstFirst 123
Results 21 to 26 of 26

Thread: Thơ Đường Luật

  1. #21
    Member
    Join Date
    Jan 2008
    Location
    suburb of nowhere
    Posts
    61

    Default "Thêm về Bà Huyện Thanh Quan" tiếp theo

    3. Được gọi vào Huế làm Cung Trung Giáo Tập, Bà Huyện Thanh Quan giã từ Thăng Long. Những tưởng rằng sự thay đổi không gian sẽ làm thay đổi thời gian. Van lạy không gian xóa những ngày (Hàn Mạc Tử). Nhưng hóa ra phong cảnh không lay chuyển được tâm cảnh, mà, ngược lại, còn bị tâm cảnh nhuộm màu. Điều này có thể thấy rõ khi thi nhân Qua Đèo Ngang:
    Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
    Cỏ cây chen đá lá chen hoa
    Lom khom dưới núi tiều vài chú
    Lác đác ven sông chợ mấy nhà
    Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
    Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
    Một mảnh tình riêng ta với ta.
    Cảnh Đèo Ngang thật khác xa với cảnh Thăng Long. Nhiều thiên nhiên hơn, ít nhân tạo hơn. Nhìn gần, thi nhân thấy thiên nhiên cũng chen chúc. Một mặt, cái hữu sinh (cỏ cây) lấn át cái vô sinh (đá), mặt khác, trong giới, hữu sinh, cái thô lậu hơn (lá) lại lấn át cái tinh tế hơn (hoa). Còn nhìn xa: vạn vật thu nhỏ như trong hòn non bộ. Con người thì nhỏ nhoi, cực nhọc (Lom khom dưới núi tiều vài chú), nơi "vui như chợ", "đông như chợ" thì cũng lại thưa thớt (Lác đác ven sông chợ mấy nhà). Thật khác xa với cảnh chen chúc của thiên nhiên. Thực ra, cảnh Đèo Ngang rất hùng vĩ, nhưng trong con mắt tâm trạng của nhà thơ đã trở thành cảnh mọn, thậm chí tiêu điều. Chẳng khác gì sự tiêu điều của Thăng Long. Nội tâm đã chi phối ngoại cảnh.
    Đứng trên đỉnh Đèo Ngang, nghe tiếng cuốc kêu, Bà Huyện Thanh Quan nhớ đến nước; nghe chim da da (đa đa, bát cát quả cà, bắt cô trói cột...) kêu, thi nhân thấy thương nhà. Niềm hoài cổ luôn chờ chực sẵn, còn sự đồng âm kia (cuốc là chim và quốc là nước, da da là chim và gia là nhà) chỉ là một cái cớ. Đến đây, thiên nhiên vốn chen chúc tạo thành một hợp thể ở chân đèo, rã ra thành những yếu tố riêng rẽ: trời, non, nước. Và con người cũng trở thành một yếu tố đơn lẻ, ngậm một mảnh tình riêng mà chỉ biết chia sẻ với chính mình (ta với ta).
    Bà Huyện Thanh Quan, như vậy, đã vượt qua được một Đèo Ngang địa lý mà không qua nổi một Đèo Ngang tâm lý. Tâm tình hoài cổ vẫn là hành trang của bà trên đường vào Huế. Thậm chí, hành trang ấy càng đi xa càng trở thành một gánh nặng. Nỗi nhớ Thăng Long, nhớ về nỗi nhớ Thăng Long đè nặng tâm hồn người lữ thứ, trở thành nỗi nhớ nhà mỗi khi chiều về trên con đường thiên lý:
    Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
    Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
    Gác mái ngư ông về viễn phố
    Gõ sừng mục tử lại cô thôn
    Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
    Dặm liễu sương sa khách bước dồn
    Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
    Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
    Chiều hôm nhớ nhà là một tâm trạng cố hữu, thường hằng của động vật, của con người. Mỗi khi ngày hết, mọi sinh linh đều tìm về nhà, tổ ấm, chốn nương thân để được che chở nghỉ ngơi. Bằng những động tác dứt khoát, sảng khoái (gác mái, gõ sừng), ngư ông và mục tử ra về. Và tuy là bến xa (viễn phố) và thôn lẻ (cô thôn), nhưng họ còn có nơi để mà về. Còn con người lữ thứ kia, giống như con chim bạt gió, mặc dù đang dồn bước nhưng không có nhà để mà về. Chỉ có sự nhớ nhà, sự nhớ về sự nhớ nhà. Bởi thế, đường đi không bao giờ kết thúc. Bởi thế lữ khách trở thành một trường lữ, một người đi.
    4. Nếu lâu đài ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương được xây dựng bởi những động từ chỉ hành động, tính từ chỉ phẩm chất, và trạng từ chỉ cách thức và mức độ thì tháp (ngà) thơ Bà Huyện Thanh Quan lại chỉ được kiến tạo bằng những danh từ mà phần lớn lại là danh từ Hán Việt: tạo hóa, hý trường, tinh sương, thu thảo, tịch dương, tuế nguyệt, tang thương, kim cổ, đoạn trường, cố quốc, phế hưng, hoàng hôn, ngư ông, mục tử, viễn phố, cô thôn, chương đài, lữ thứ, khoáng dã, bình sa... Nhiều câu thơ của Thanh Quan dường như chỉ là sự ghép lại của những danh từ:
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Danh từ chỉ sự vật ở cấp độ khái niệm. (Ví dụ, nói đến từ bàn, ta hình dung đó là một mặt phẳng, có chân, được dùng để làm gì đó. Còn nếu biết cái bàn đó như thế nào thì phải thêm vào những định ngữ như cái bàn vuông, màu xanh, bằng gỗ, để viết...). Làm thơ bằng những danh từ, nghĩa là Bà Huyện nhìn sự vật ở những bản chất của nó, bỏ qua tất cả những gì là cụ thể, sông động. Một người như thế là giữ một khoảng cách với cuộc sống, xa lánh cuộc đời, lẩn trốn hiện tại. Khoảng cách đó ở nhà thơ còn được nhân lên một lần nữa, bởi các danh từ của Thanh Quan toàn là danh từ Hán Việt.
    Cùng chỉ một loài thực vật, nhưng cỏ (thuần Việt) và thảo (Hán Việt) gieo vào tâm trí bạn đọc những cảm xúc và tưởng tượng khác nhau. Cỏ bao giờ cũng gợi nhắc đến một thứ cỏ cụ thể nào đó. Nó đánh thức trong ta những kỷ niệm. Còn thảo thì chỉ là một âm vang xa xôi, trang trọng và nhoè nghĩa. Như vậy, sự khác nhau giữa từ thuần Việt và từ Hán Việt không đơn thuần ở sắc thái ngữ nghĩa, ở độ âm vang của con chữ, mà còn ở một cách nhìn.
    Bà Huyện Thanh Quan thường nhìn cảnh vật vào mùa thu: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, bằng tấm-lòng-con-mắt-thu: Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu. Thậm chí, ngay cả khi thi phẩm không có chữ thu nào, thì bạn đọc vẫn cảm nhận được cảnh ấy, vật ấy đang thu: cỏ dãi dầu, toà sen rớt, thức mây phong, ngàn mai gió cuốn, dặm liễu sương sa, còi mục thét trăng, chài ngư tung gió... Một hồn thu ngấm trong từng con chữ phả vào hồn người đọc: Hơi thu lạnh lẽo khí thu loà (Đỗ Phủ).
    Cảnh thu ấy còn được thi nhân nhìn vào buổi chiều, trong bóng chiều tà. Trong 5 bài thơ chắc chắn là của Bà Huyện Thanh Quan thì có đến 4 bài có những từ khác nhau chỉ bóng chiều tà:
    Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
    (Qua Đèo Ngang)
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    (Thăng Long thành hoài cổ)
    Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
    (Chiều hôm nhớ nhà)
    Vàng tỏa non tây bóng ác tà
    (Nhớ nhà)
    Với tần số xuất hiện cao như vậy, lại ở vào một vị trí đặc biệt (hầu hết đều ở cuối câu mở đầu thi phẩm), có thể nói, bóng chiều tà chính là từ-chìa khóa để mở vào những tòa lâu đài thơ Thanh Quan. Bóng chiều tà chính là lăng kính để thi nhân nhìn cuộc đời. Dưới bóng chiều tà, cảnh vật mùa thu vốn đã tiêu điều đổ nát càng thêm đổ nát tiêu điều. Nhưng cũng trong ánh chiều tà ấy, sự vật lại bừng sáng lên lần cuối cùng cái huy hoàng của tàn tạ, để rồi vĩnh viễn lịm tắt.
    Bà Huyện Thanh Quan không chỉ giữ một khoảng cách với cuộc đời, mà còn giữ khoảng cách với cả chính mình. Khi trên đỉnh Đèo Ngang, thi nhân nói với ta với ta là đã có sự phân thân. Ta tự chia ta thành một cái ta khác để chia sẻ mảnh tình riêng cho bớt cô đơn. Nhưng dẫu sao chữ ta này cũng vẫn là nhân xưng ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra một lần, khi cảm xúc của thi nhân lên đến đỉnh điểm. Còn ở tất cả những trường hợp khác, Bà Huyện Thanh Quan đều tự gọi mình ở ngôi thứ ba số ít. Một cách tự xa lạ hóa mình. Đó là người ("Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường"); "Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ"), kẻ ("Mấy kẻ tình chung có thấu là...", đặc biệt là khách ("Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu"; "Dặm liễu sương sa khách bước dồn"; "Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà").
    Tự nhận mình là khách, Bà Huyện Thanh Quan không chỉ gián cách mình với mình, mà, quan trọng hơn, gián cách mình với cuộc đời. Bà khẳng định mình chỉ là một người khách đến với cuộc đời này. Đến rồi đi không có gắn bó gì hết. Nhất là ở đây và bây giờ. Điều này còn được thể hiện rõ một lần nữa qua nhan đề các bài thơ của thi nhân. Hai nhan đề có từ qua (Qua Đèo Ngang, Qua chùa Trấn Bắc), hai có từ nhớ (Chiều hôm nhớ nhà, Nhớ nhà), một có từ hoài (cổ), cũng là nhớ (Thăng Long thành hoài cổ). Như vậy, khoảng cách giữa thi nhân và cuộc đời được thiết lập ở cả ba cạnh khía: qua : không gian; hoài cổ: thời gian và nhớ nhà: tâm lý. Nghĩa là, người lữ khách ấy chỉ có đi qua cuộc đời, không ghé lại đây để rồi chỉ có nhớ, hoài, nhớ hoài, hoài nhớ.
    Chuẩn bị học lại Tiếng Anh, và mong muốn học Hán Văn. Nên chăng?

  2. #22
    Member
    Join Date
    Jan 2008
    Location
    suburb of nowhere
    Posts
    61

    Default "Thêm về Bà Huyện Thanh Quan" tiếp theo và hết

    5.
    Mùa thu là mùa tàn của một năm
    Chiều tà là giờ tàn của một ngày.
    Thơ Bà Huyện Thanh Quan là thơ mùa thu và chiều tà. Thời gian tàn tạ ấy lại gắn với không gian đổ nát: một tòa thành cổ, một ngôi chùa hoang vắng, lối xưa nền cũ của những lâu đài cung điện, một cảnh đèo heo hút, hoang vu, một bến sông xa, một bãi cát rộng, một con đường... Cảnh vật trong không - thời gian ấy đều hướng tới một sự suy tàn, tiêu vong. Mặc dù buồn về những cảnh tượng như vậy, nhưng thi nhân vẫn thấy được vẻ đẹp của sự tiêu vong. Thậm chí, càng tàn tạ càng bừng lên một vẻ đẹp khó hiểu. Tâm trạng này cũng giống như cái nhìn của Tản Đà sau này: "Lá sen tàn tạ trong đầm/Lặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa" (Cảm thu tiễn thu). Tâm lý như vậy hẳn ẩn sâu bên trong một xung năng vô thức nào đó.
    Thơ Bà Huyện Thanh Quan còn là sự lặp đi lặp lại dài dài những vấn đề tư tưởng nghệ thuật ở cả phương diện vĩ mô lẫn phương diện vi mô. Trước hết là sự trùng lặp về chủ đề: cả 5 bài thơ đều là sự hoài niệm quá khứ. Cảnh tượng, phong cảnh đều là mùa thu và chiều tà. Tâm cảnh đều là sự nhớ nước, thương nhà. Nhân vật trữ tình bao giờ cũng là người đi. Sau đó là sự lặp lại của từ ngữ như thu, bóng xế tà, kim cổ (gương cũ soi kim cổ chuông hồi kim cổ), cỏ (cỏ dãi dầu; cỏ cây chen đá)...
    Đặc biệt là sự lặp lại với tần số cao những từ chỉ tâm trạng của tác giả: niềm cố quốc, nhớ nước, thương nhà, nỗi hàn ôn, kẻ tình chung, mảnh tình riêng... Như vậy, Bà Huyện Thanh Quan là người không chỉ bị cuốn hút bởi sự suy tàn, mà còn thấy được cả vẻ đẹp của suy tàn. Điều này thường trực trong thi phẩm đến mức thành ám ảnh. Ám ảnh đó ẩn chứa một xung năng vô thức mạnh mẽ mà phân tâm học gọi là bản năng chết (thanatos).
    Đến đây, người ta bỗng thấy ý nghĩa sâu xa, nhiều tầng lớp trong nỗi buồn, sự hoài niệm quá khứ, sự cách vời cuộc sống hiện tại của Bà Huyện Thanh Quan. Căn cốt của nỗi buồn đó là sự cuốn hút của thi nhân về phía thanatos, sự nghỉ ngơi vĩnh cửu, sự yên tĩnh đời đời. Còn nỗi buồn về thế sự đổi thay, mọi thứ đều giả tạo, mong manh, thoáng chốc chỉ là "bản chất hàng hai", nói theo ngôn từ của triết gia Trần Đức Thảo. Như vậy, cái "tâm sự hoài Lê" kia chỉ là tấm áo khoác, là duyên cớ, hay "bản chất hàng ba", cái trên cùng, bề mặt.
    6. Như vậy, với sự hướng về bản năng chết, Thanh Quan càng là một đối tượng của Hồ Xuân Hương. Sự đối trọng trên mọi cấp độ. Thơ Xuân Hương, như đã nói, được kiến tạo bằng những động từ chỉ hành động, thậm chí hành động cơ bản nhất của con người như đạp, móc, xuyên..., bằng tính từ chỉ phẩm chất, trạng từ chỉ cách thức và mức độ cùng cực. Hồ Xuân Hương, bởi thế, là người áp sát với đời sống, người không khoảng cách với cuộc đời, người nhìn cuộc đời trong sự chuyển động, sự vận động không ngừng của nó, trong màu sắc, hình khối, kích thước, âm thanh của nó. Đó là một thi nhân yêu sự sống, tôn sùng sự sống. Hồ Xuân Hương là người có một bản năng sống (éros) mạnh mẽ.
    Hồ Xuân Hương, bởi thế, không chịu nằm yên trong khuôn khổ thơ Đường, một thể loại thơ trang nghiêm, hài hòa đến tuyệt đối. Thi nhân đưa vào thơ mình vô vàn những chi tiết tỉ mỉ, cụ thể, thậm chí sống sít của đời sống, những từ láy đôi láy ba hết sức thừa thãi, những từ vận hiểm hóc, thách đố, đặc biệt những cặp câu thực và luận, mặc dù đối vần rất chỉnh, nhưng ít nhiều đã ngả sang đối xứng để ám chỉ những chuyện tính giao nam nữ như:
    Trai du gốc hạc khom khom cột
    Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
    (Đánh đu)
    Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
    Một suốt đêm ngang thich thích mau
    (Dệt cửi)
    Toàn bộ thơ Hồ Xuân Hương nhìn chung, vừa tuân theo những nguyên tắc, luật lệ của thơ Đường vừa chống lại nó. Bà đã phá vở tính đơn giản, kiệm từ, trang trọng cách vời của nó. Tuy nhiên, đó chỉ là sự phá vỡ cái hài hòa cục bộ, tức nội bộ bài thơ, để sau đó lại thiết lập nên một hài hòa mới, rộng hơn, giữa bản thân bài thơ và vũ trụ quanh bài thơ đó. Vì thế, Hồ Xuân Hương đã sáng tạo ra một thứ thơ Đường luật mới.
    Đó là tinh thần éros.
    7. Bà Huyện Thanh Quan, ngược lại, vẫn trung thành với thể thơ luật Đường chính thống. Thơ Thanh Quan được làm bằng những danh từ, lại là danh từ Hán Việt, nên tạo ra được một sự sang trọng, cách vời, thấm chí uy nghi đường bệ. Thơ bà hoàn toàn không có các nối từ, "từ nước", mà toàn những từ "đặc". Phép tính lược được vận dụng đến mức tối đa. Không gian và thời gian thống nhất với nhau. Con người và vũ trụ thống nhất với nhau. Mỗi bài thơ là một thế giới thống nhất, biệt lập, tự trị. Năm bài thơ cũng tạo thành một thế giới thống nhất biệt lập và tự trị. Một Ngũ Hành Sơn trên cánh đồng thơ Việt.
    Thơ Đường Bà Huyện Thanh Quan, điều quan trọng là vẫn giữ được hồn Đường. Đây là điều ít nhà thơ đạt được, kể cả những thi nhân Trung Hoa sau Đường. Bởi vậy, nếu nói về việc làm thơ nôm Đường chuẩn nhất, Đường nhất ở Việt Nam thì thứ nhất phải kể đến Bà Huyện Thanh Quan. Sự Việt hóa thơ Đường ở thi nhân, nếu có, chính là việc nhà thơ kín đáo để lộ nữ tính của mình vào bài thơ. Thi nhân nói nhiều đến mai, liễu vốn là những từ chỉ phụ nữ trong thi liệu Đông phương.
    Nguyễn Du đã từng khen chị em Thuý Kiều là mai cốt cách tuyết tinh thần, rồi Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh. Đặc biệt hơn, Bà Huyện Thanh Quan khi dùng chữ kẻ chốn Chương Đài thì đã nói về liễu Chương Đài, về người phụ nữ. Ngoài ra, thơ Thanh Quan cũng nói nhiều đến cỏ, thứ thực vật rất gần với thân phận phụ nữ. Chính nữ tính này của thi nhân đã làm mềm hóa, thân mật hóa thể thơ Đường luật vốn trang nghiêm, đôi lúc đến lạnh lùng.
    Nét riêng nữa của thơ Đường Thanh Quan là xuất hiện thực hiện người lữ thứ. Người-đi-đường-chứng-kiến kể lại những "điều trông thấy" của mình, cảm xúc của mình, nỗi buồn nhớ của mình bằng một giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, thỉnh thoảng lại xen tiếng thở dài, nhưng cũng không hiếm khi có sự nồng ấm của thân xác (như khi gọi niềm tâm sự của mình là nỗi hàn ôn!). Thơ Đường, do ảnh hưởng của Thiền học, vốn là một thứ mỹ học tĩnh. Nhưng với sự xuất hiện con người lữ thứ, thơ Đường Thanh Quan đã bắt đầu có sự chuyển dịch, tuy còn rụt rè về phía động. Đó là ảnh xạ của ý thức cá nhân đã bắt đầu thức tỉnh trong lớp người tài tử đương thời.
    Tuy số lượng bài để lại không nhiều, nhưng, có thể nói, thơ Thanh Quan là những dấu son của thơ Việt Nam trung đại. Nghĩ đến Bà Huyện Thanh Quan tôi cứ nghĩ tới bức chân dung Người đàn bà xa lạ của họa sĩ Nga Kramskoi; ngồi bất động trên xe ngựa và sau lưng là kinh thành Peterburg mù sương. Cũng đẹp một vẻ đẹp sang trọng, đài các và cách vời như thế. Còn nghĩ đến thơ bà, tôi mường tượng đến một chiều thu, khi mặt trời đã tắt, nhưng còn hắt lên nền trời những dải sáng vàng rực, thuần khiết, và người thợ trời nào đã cắt dải sáng đó thành những bài thơ Bà Huyện Thanh Quan.
    Tháng 9/2007
    • Đỗ Lai Thúy
    ____________________
    Chú thích:
    1. Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuật, cạnh Hồ Tây Hà Nội bây giờ. Không rõ năm sinh và năm mất. Nhưng căn cứ vào năm sinh và năm mất của chồng bà là Lưu Nguyên Ôn 1804 - 1847 thì có thể đoán chắc một điều là bà sống vào thời Thăng Long nhà Nguyễn, thậm chí khi Thăng Long đã đổi thành tỉnh Hà Nội.
    2. Thơ Bà Huyện Thanh Quan còn lại không nhiều. Theo nhiều học giả thì gồm những bài sau.
    1. Thăng long thành hoài cổ
    2. Qua chùa Trấn Bắc
    3. Qua Đèo Ngang
    4. Chiều hôm nhớ nhà
    5. Nhớ nhà
    6. Tức cảnh chiều thu
    7. Cảnh đền Trấn Võ
    8. Cảnh Hương sơn
    Theo chúng tôi thì 4 bài đầu là hoàn toàn chính xác của Bà Huyện Thanh Quan bởi có sự thống nhất từ tư tưởng đến phong cách nghệ thuật, bài thứ 5, Nhớ nhà, như là một dị bản của Chiều hôm nhớ nhà, hai bài 6, 7, xét từ phong cách thì không giống phong cách Bà Huyện Thanh Quan mà giống phong cách Hồ Xuân Hương nên chúng tôi cho là của Bà Chúa Thơ Nôm (xem thêm chuyên luận Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực của chúng tôi), cuối cùng bài 8 cũng không giống với tư tưởng và phong cách Bà Huyện Thanh Quan.
    3. Câu này nhiều bản chép là Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu, nhưng chúng ta thấy nó mang không khí của Hồ Xuân Hương, còn Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu thì không chỉ hợp với phong khí của bài thơ mà còn hợp với phong cách của Bà Huyện Thanh Quan
    Chuẩn bị học lại Tiếng Anh, và mong muốn học Hán Văn. Nên chăng?

  3. #23
    Member
    Join Date
    Jan 2008
    Location
    suburb of nowhere
    Posts
    61

    Default Thêm về bài thơ "Phong Kiều dạ Bạc"

    Gần như, bất cứ ai đam mê thơ cũng đều ước mơ đến những nơi như Hoàng Hạc Lâu ở huyện Vũ Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc hay bến Phong Kiều bên Hàn San tự ở Tây huyện thuộc tỉnh Giang Tô... Đó là những địa danh nổi tiếng và tồn tại muôn đời với những bài thơ bất tử được lưu truyền như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu hay Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế,... Nhưng qua bao nhiêu năm, thường những mơ ước đó vẫn còn y nguyên là ước mơ.
    Trương Kế vốn là nhà thơ nổi tiếng của thời Thịnh Đường nhưng người ta quên mất năm sinh và năm mất của ông, chỉ biết ông sinh thời vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông. Sinh quán của ông ở Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông là người thông thái, có kiến thức rộng, say mê đàm luận.
    Ông đậu tiến sĩ vào năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo. Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, khi mất ông đang làm tài phú ở Hồng Châu. Trương Kế chỉ để lại một tập thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài "Phong Kiều Dạ Bạc", tức là "Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều".
    Bài "Phong Kiều Dạ Bạc" chỉ vỏn vẹn có bốn câu:
    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
    Chuẩn bị học lại Tiếng Anh, và mong muốn học Hán Văn. Nên chăng?

  4. #24
    Member
    Join Date
    Jan 2008
    Location
    suburb of nowhere
    Posts
    61

    Default Tiếp theo

    Nguyên bản bài thơ này bằng chữ Hán không có các dấu phết và dấu chấm ở cuối các câu. Nhưng tùy theo ý nghĩa của thơ, các tác giả đời sau đã phân đoạn và ngưng câu để thêm các dấu phết và chấm vào. Sự kiện này hay xảy ra, như trường hợp quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử được viết vào khoảng năm 500 đến 450 trước Tây Lịch. Đạo Đức Kinh được khắc trên các thẻ tre, không có dấu chấm phết, nhưng nhiều tác giả đời sau đã tùy theo cách đọc mà phân đoạn khác nhau. Mỗi khi các dấu chấm phết xê dịch thì ý nghĩa trong Đạo Đức Kinh thay đổi rất nhiều, có khi khác hẳn nhau.
    Trở lại trường hợp bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế, tựu trung tác giả Nguyễn Quảng Tuân cũng theo các tác giả đời trước nên bản viết có các dấu phết ở cuối câu một và câu ba, và dấu chấm ở cuối câu hai và câu bố.
    Tôi xin góp vào một số ý kiến bổ túc như thế này.
    1. Tùy theo cách đọc, ta thử ngắt câu bằng các dấu chấm và phết.
    Câu một:
    Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên, (a)
    (Cách ngắt câu và chữ theo tác giả Trần Trọng San) (1)
    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, (b)
    (Cách ngắt câu và chữ theo tác giả Nguyễn Quảng Tuân)
    Bây giờ tôi ngắt câu và chữ khác đi đôi chút:
    Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên, (c)
    Khi đọc, nếu ngắt câu khác nhau ý nghĩa câu thơ có thể khác nhau:
    Trăng lặn, quạ kêu, trời đầy sương, (a)
    Trăng lặn quạ kêu trời đầy sương, (b)
    Trăng lặn trên núi Ô Đề, trời đầy sương, (c)
    Như vậy, tùy theo cách ngắt câu, ô đề có thể là địa danh.
    Nếu xét thêm về yếu tố địa dư, ở đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô không có núi nào tên là Ô Đề.

    Nếu xét về ý thơ, với tài thơ của Trương Kế, thi nhân đang ngao du thuyền trên sông và đậu lại ở bến Phong Kiều, cảnh sắc hữu tình như vậy, không có lý do gì ông lại mô tả cảnh sắc trên núi Ô Đề ở mãi tận đâu xa (nếu quả thật có núi Ô Đề đi nữa). Thêm vào đó, trên thuyền ở bến Phong Kiều, như tác giả Nguyễn Quảng Thân đã nói, chưa chắc gì đã thấy được núi Ô Đề (nếu có). Dù cho ở thời Trương Kế, dân cư thưa thớt, nhà cửa ít oi và nhỏ thấp.
    Trong các cách ngắt câu khác nhau, tôi thích cách của tác giả Trần Trọng San hơn:
    Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
    Đến nghi vấn về chữ sầu miên trong câu hai:
    Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên. (2)
    Về địa dư, đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô không có núi nào tên là Sầu Miên. Theo tác giả Nguyễn Quảng Tuân, có lẽ tên chùa là Hàn San, san có nghĩa là sơn, là núi, nên có tác giả đã nghĩ như vậy.
    Theo sách sử Trung Hoa để lại, vào đời đường cách 10 dặm ở phía tây đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô có ngôi chùa do hai nhà sư tên là Hàn San và Thập Đắc trụ trì. Như vậy, người ta đã lấy tên của vị sư trụ trì để đặt tên cho ngôi chùa.
    Hơn nữa, về ý thơ, nếu tác giả nào cho chữ Sầu Miên là tên một ngọn núi thì người ấy quả tình đã xem thường Trương Kế quá nhiều. Với tài thơ Trương Kế, chúng ta có thể quả quyết được rằng, sầu miên không phải là tên một ngọn núi.
    2. Đến nghi vấn, quạ có kêu trong đêm hay không?
    Trong bài thơ, Trương Kế chỉ rằng nửa đêm, có thể là nửa đêm về sáng. Loài quạ có thể kêu sớm hơn, chuyện này,tôi thiết tưởng không nên đặt thành vấn đề. Hơn nữa, nhà thơ Quách Tấn của chúng ta cũng có bài thơ "Đêm thu nghe quạ kêu" (3)
    3. Chùa Hàn San nói riêng hay chùa nói chung có đánh chuông về đêm hay không?
    Chúng ta đều biết chùa nào cũng đánh chuông công phu, thường khoảng ba hay bốn hoặc năm giờ sáng, tùy nơi.
    Theo sử sách Trung Hoa viết lại, căn cứ vào tài liệu của tác giả Trần Trọng San (4), tôi xin ghi lại câu chuyện về Trương Kế và bài "Phong Kiều Dạ Bạc". Chuyện này giải thích rất rõ ràng về tiếng chuông chùa Hàn San vào lúc nửa đêm.
    Chuyện ghi rằng, vào đêm Trương Kế đậu thuyền tại bến Phong Kiều, không phải chỉ có một mình thi nhân không ngủ được mà có đến hai người khác nữa cũng trằn trọc không sao an giấc. Hai người này say mê thơ, chắc cũng không kém nhà thơ Trương Kế. Người thứ nhất là sư cụ trụ trì chùa Hàn San. Nhà sư thao thức không ngủ được, có lẽ vì cảnh sắc quá đẹp ở bến Phong Kiều chăng, nên suy tư để làm một bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Nhưng nhà sư chỉ làm được hai câu đầu rồi bị ngưng trệ ở đó, không sao làm tiếp được. Lúc đó, nhà thơ Trương Kế ở dưới thuyền cũng thao thức vì cảnh đẹp thiên nhiên và làm chỉ được hai câu đầu mà thôi. Nhà thơ không nghĩ ra được hai câu tiếp.
    Trong khi đó có người thứ ba cũng trằn trọc trong đêm là chú tiểu trong chùa. Chú tiểu cũng là người say mê thơ. Lúc đó, sư cụ trụ trì thấy chú tiểu còn thức bèn đưa hai câu thơ mà nhà sư làm ra nhưng không thể làm tiếp được kể kết thúc bài thơ. Chú tiểu vừa đọc qua hai câu đầu của sư cụ liền viết ra ngay hai câu sau. Sư cụ đọc qua, ráp nhau lại, nhận thấy cả bài thơ bốn câu hay quá. Nhà sư mừng rỡ, cho rằng Phật Tổ đã linh thiêng giúp đỡ cho hai người. Sư cụ bảo chú tiểu thắp hương, thỉnh chuông để tạ ơn Phật. Tiếng chuông chùa Hàn San vang ra trong đêm. Lúc đó, Trương Kế đang thao thức suy nghĩ về hai câu thơ sau, thì tiếng chuông chùa Hàn San vang ngân lên, lập tức nhà thơ viết liền ra hai câu sau, hoàn thành bài thơ tuyệt tác để lại cho đời sau.

    Cảnh sắc lúc đó, sương phủ mờ cả dòng sông và bến đậu, trăng xế ngang đầu. Chiếc thuyền của nhà thơ Trương Kế đậu lẻ loi bên bến Phong Kiều. Trên bờ, ngoài thành Cô Tô, chùa Hàn San mờ ảo trong đêm. Tiếng chuông chùa ngân vang, lay động cả màn sương và bật mở hồn thơ Trương Kế.
    Bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" thật tuyệt.
    Câu đầu, thơ đi nhịp nhàng, lửng thửng như nhà thơ đang nhàn du trong sương, dưới trăng:
    Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
    Câu hai, thơ như chậm lại bên hàng cây phong, dưới sông thấp thoáng ánh lửa thuyền chài, đêm buồn dịu lặng, ray rức:
    Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
    Câu ba, thơ sực tỉnh, như dừng lại, ngoài trăng, sương, sông, nước, còn ngôi chùa ẩn hiện trong đêm:
    Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
    Câu cuối, thơ ngỡ ngàng trước tiếng chuông chùa ngân vang trong lòng đêm yên lặng, giửa đêm tịch mịch, sương như lung lay, nước như gờn gợn, khách trong thuyền xao xuyến cả tâm hồn:
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
    Đã có nhiều tác giả dịch bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc " sang tiếng Việt.
    Theo Trần Trọng San, bản dịch của Tản Đà như thế này: (6)
    Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
    Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
    Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
    Bản dịch, theo Nguyễn Quảng Tuân là của Nguyễn Hàm Ninh (7), có vài điểm không giống hẳn như bản trên:
    Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
    Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
    Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
    Tôi ghi cả hai bản dịch ra đây để tiện đối chiếu.
    Ngoài các bản dịch bài "Phong Kiều Dạ Bạc" ra tiếng Việt mà tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã dẫn trong tạp chí Văn Học số 191, tháng 03 năm 2002, tôi xin bổ túc hai bài dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt của hai tác giả Trần Trọng San và Nguyễn Hà.
    Bản dịch ra chữ Việt của tác giả Trần Trọng San:
    Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều (8)
    Trăng tà, tiếng quạ vẳng sương rơi,
    Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài.
    Ngoài lũy Cô Tô, chùa vắng vẻ,
    Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.
    Bản dịch của Trần Trọng San, cùng thể, vừa giữ được ý thơ lãng mạn lại vừa giữ được nét cứng cỏi của thất ngôn. Bản dịch, tôi thiết nghĩ đáp được hai yêu cầu của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, thứ nhất là Cô Tô là thành lũy chứ không phải bến và thứ hai là tính chủ động của tiếng chuông chùa ở câu bốn.

    Cô Tô vốn là tên ngọn núi ở phía tây nam Ngô huyện, thuộc tỉnh Giang Tô. Chính ở đây, xưa vào thời Đông Chu (770 đến 314 trước Công nguyên), Ngô vương Phù Sai đã xây đài cho Tây Thi. Vì thế mà tác giả Trần Trọng San dùng chữ "lũy" ở câu ba trong bài dịch ra tiếng Việt.
    Tuy nhiên, trong bài dịch, ở câu một tác giả Trần Trọng San đã đi hơi xa, dịch thoát ý, khỏi chữ "mãn" nghĩa là đầy, và chữ "thiên" nghĩa là trời, khiến cho "trời đầy sương" thành ra "vẳng sương rơi".
    Bản dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt của tác giả Nguyễn Hà:
    Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
    Tiếng quạ kêu sương, nguyệt cuối trời
    Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài
    Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại
    Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai... (9)
    Bản dịch của tác giả Nguyễn Hà không ổn vì:
    (1) ở câu một: quá thoát ý,
    (2) ở câu hai: lạc ý vì chỉ có ánh lửa chài chứ không có thôn chài,
    (3) câu ba và bốn: vừa đảo ý vừa lạc ý vì câu ba xác định vị trí của chùa Hàn San và ở câu bốn tiếng chuông lay khách trên thuyền chứ không lay chiếc thuyền.
    Theo tôi, bản dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt hay nhất là bản của tác giả Trần Trọng San.
    Còn bài thơ của sư cụ trụ trì và chú tiểu ở chùa Hàn San cũng được sách ghi lại:
    Hai câu của sư cụ là:
    Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
    Bán tự ngân câu, bán tự cung.
    Nghĩa là:
    Mồng ba, mồng bốn, mặt trăng mờ mờ,
    Nửa như móc bạc, nửa tựa cái cung.
    Và hai câu tiếp theo của chú tiểu là:
    Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
    Bán trầm thủy để, bán phù không.
    Nghĩa là:
    Một chiếc bình ngọc chia làm hai mảnh,
    Nửa chìm đáy nước nửa nổi trên trời.
    Tác giả Trần Trọng San có dịch bốn câu thơ trên gồm hai câu của sư cụ và hai câu của chú tiểu:
    Mồng ba mồng bốn trăng mờ,
    Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời.
    Một bình ngọc trắng chia hai,
    Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không. (10)
    Dĩ nhiên, chúng ta không thể so sánh hai câu của sư cụ và hai câu của chú tiểu với bốn câu thơ của Trương Kế được. Một bên là những người bình thường với hồn thơ dào dạt, làm được những câu thơ như thế cũng xứng đáng được tán thưởng lắm rồi. Lẽ nào, chúng ta so sánh bài thơ đó với bốn câu thơ của Trương Kế, là người đã nổi tiếng về tài thơ trong thời Thịnh Đường.
    Về sau, vào đời nhà Thanh, học giả Khang Hữu Vi có dựng một tấm bia khắc lại bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc", để trong chùa Hàn San (11).
    (sưu tầm)
    Chuẩn bị học lại Tiếng Anh, và mong muốn học Hán Văn. Nên chăng?

  5. #25
    Senior Member Quang's Avatar
    Join Date
    Dec 2007
    Location
    Hà Nội
    Posts
    361

    Default

    Tuyệt hay!
    "Phong Kiều dạ bạc" là một bài lão phu vô cùng tâm đắc, nhưng xin cung cấp hầu chư vị bằng hữu một điển cố bất hủ như sau, kể trong khi nhậu nhẹt thì hay vô cùng, lần nào lão phu kể khi say (có lần ở Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội) cũng được hưởng ứng nhiệt liệt:
    Hồi đó, Trương Kế chỉ được làm một huyện lệnh nhưng được bổ về Tây hồ, đệ nhất phong thủy ở Trung Quốc. Ông không buồn mà lấy làm vui nên đêm đó dong thuyền ra giữa hồ chơi, ỷ mình văn hay nên rắp tâm làm một bài thơ để đời.
    Rượu say nghĩ mãi thì ông cũng làm được hai câu:
    Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
    Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên
    (Trăng như rơi đi đâu mất, quạ kêu ở đâu đó như tiếng báo hiệu, sương thì cứ đầy không gian tưởng như sắp tới trời
    Gió sông lùa cây phong cùng với ánh đèn của những người đánh cá cùng ta với nỗi sầu của đêm không ngủ)
    Làm đến đây thì ông tắc tị, không làm sao làm tiếp được, với những Đường thi nhân, chuyện ngôn từ đóng vai trò rất quan trọng.
    Lúc đó ở chùa Hàn Sơn (hay còn gọi là Hàn San theo âm Phúc Kiến) đối diện bến Phong Kiều bên kia Tây hồ, sư cụ trụ trì cũng không ngủ được. Ông mới ra hiên của phương trượng mà ngắm cảnh Tây hồ, buột miệng làm hai câu cảm tác:
    Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
    Bán tự ngân câu bán tự cung
    (Vào ngày mùng ba, mùng bốn này thì trăng cứ mờ ảo
    Nửa như lưỡi câu bạc, nửa như cánh cung)
    Làm đến đó ông cũng tắc tị, cứ bần thần tìm ý tứ để hoàn thành bài thơ. Lúc đó chú tiểu mới thắp đèn mang lên. Thấy Sư phụ bần thần, chú mới khoanh tay hỏi:"Bẩm thầy có chuyện gì khó nghĩ? hay đệ tử có điều thất thố?". Sư cụ nói không và đọc câu thơ trên. Chú tiểu (không hiểu từ đâu ra người giỏi như vậy) xin phép thầy được nối tiếp ý thơ của thầy. Sư đầu tiên cũng nghi ngại nhưng rồi cũng cho phép, và chú tiểu đọc:
    Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
    Một trầm thủy để, một phù không...
    (Một Tây hồ như chia làm hai
    Nửa như chìm đáy nước, nửa như bay trên không trung)
    Sư buột mồm khen hay và bảo chú tiểu lên thỉnh một hồi chuông để tạ ơn Phật (vì chú tiểu sao mà đủ IQ làm câu thơ hay mức ấy). Tiếng chuông vang lên đến bên kia hồ, Trương Kế nhà ta lúc đó nghe tiếng, thốt nhiên làm được tiếp hai câu sau:
    Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
    (Ở chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô
    Nửa đêm bỗng có tiếng chuông chùa đến thuyền của ta)
    Giai thoại này dĩ nhiên chỉ là... giai thoại như muôn vàn giai thoại giầu tính phét lác của trung Quốc. Nhưng nó nói lên người Hoa họ hướng về truyền thống tới mức nào, như gia huy một quý tộc của Anh quốc có hai từ "Truyền thống - Niềm tin".
    Bạn nào có điều kiện du lịch qua địa danh này ở trung Quốc thì thấy người ta bán đầy cả hai bài thơ này bằng bản in đá, hình như cái bia khắc hai bài thơ này là có thật, nhưng lạ là họ lại viết bằng thể Khải thư của Âu Dương Tuân đời Tống.
    Lão phu có lẽ sai...

  6. #26
    Senior Member Quang's Avatar
    Join Date
    Dec 2007
    Location
    Hà Nội
    Posts
    361

    Default

    Còn về bản dịch "Phong Kiều dạ bạc" thì tôi thích nhất bản dịch tài hoa của Lê Văn Bái (không hiểu tại sao lại lấy bút danh là J. Leiba):
    Thuyền dạo hồ Đông muôn dăm chơi
    Quạ kêu, trăng lặn, nước mờ khơi
    Hàn San vẳng tiếng chuông chùa sớm
    Cây bến, đèn ngư não mộng người.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •