Giật mình mới lao đi tim lại bài gốc. Mình lại mau quên thế a?
Bài này trong sách Văn học từ xưa, bây giờ những thầy tôi có người đã từng bị đi tù. Cái bài đó nó thế này:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu
Nó lại mừng nhau cái sự giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Nó lại chúc nhau cái sự sang
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Nó lại mừng nhau cái chuyện con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
Tôi thấy nó hay ở chỗ cái điệp ngữ đã được bỏ, vì cụ này chanh chua mà văn chương và cách dùng tiếng Việt khá lắm, vốn từ vựng không nghèo nàn vậy đâu. Cái điệp ngữ đầu câu không bao giờ bị lặp vụng về thế, đến hậu sinh như Nguyễn Bính trong bài "Nhạc xuân" có lặp nhưng rất tài hoa. Bản gốc là chữ Nôm nên không có font để post lên đây.
Bài này trong sách "Trích giảng văn học" Hà Nội in từ năm 1976, trên mạng chưa có nên đành cặm cụi typing ra vậy.
Về chuyện dùng từ tiếng Việt lại nhớ cái giai thoại ông Nguyễn Tuân vào Nam. Số là ông Nguyễn Tuân nổi tiếng khắt khe trong dùng từ. Từ nào ông dùng cũng đều được gọt giũa, "thôi xao" ghê gớm lắm, dù là trong văn xuôi. Khi giải phòng miền Nam, cái ông gàn dở chi ly đến từng cái bát, cái đũa này lại xung phong vào "thăm văn nghệ miền Nam" và đòi được gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông Sáng thì run người vì vinh hạnh, mời ông Tuân đến nhà nhậu nhẹt, ăn uống chán chê mà mãi không biết hỏi như thế nào cho lịch sự cái lý do gặp gỡ này (vì người Bắc hay nói vòng vèo mà). Cuối cùng, lúc say (rượu đó là rượu Gò Đen ở Long An) ông Tuân mới hỏi :"Này Sáng,
tao thấy
mày (các cụ vĩ nhân tới mức được đặt tên phố mà cũng "mọi rợ" ghê) dùng cái từ "toòng teeng" là thế nào? Thế nào là "đeo toòng teeng"?".
Hóa ra chỉ có thế!
Như mấy cái ông cổ hủ hơn như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến (tên thật là Nguyễn Tất Thắng nhưng vì thi trượt nhiều nên phải tự sửa cho bớt ngượng), Trần Tế Xương, Tản Đà... thì các cụ "khó chơi" lắm. Dùng một từ, dù là trong văn xuôi các cụ này cũng nhấc lên đặt xuống chán ra đấy. Còn về văn xuôi thế kỷ XX thì tôi cứ đặt ông Nguyễn Tuân lên hàng đầu. Kẻ hèn này đã được gặp đôi lần khi cụ còn sống.
Xem mấy cái giai thoại này cũng thấy đôi chút tự hào. Có khác gì G. Flaubert đâu...
(Bài này tôi viết hơi "Việt" quá và dùng nhiều đại từ "gia tộc" khá là "sách mé". Mọi người đọc thấy có chỗ nào ngứa tai thì góp ý cho với! Chân tình đa tạ!)