Tôi có một thú vui là được trả lời các câu hỏi hóc búa trong bất cứ lĩnh vực gì, vì thế nghe được câu hỏi này tôi rất vui. Xin phép được nói hơi dài để trả lời câu hỏi này. Nếu bạn chịu khó đọc, bạn sẽ hiểu thêm nhiều cách dùng chữ và chơi chữ của các nền văn hóa ảnh hưởng Hán ngữ.
Chữ "bức" là con dơi cấu tạo từ hai bộ thủ (như chữ cái của ta) theo cách hội ý, đó là bộ "trùng" cho người đọc biết rằng chữ này dùng để chỉ một con vật nhỏ, và bộ (chứ không phải chữ) "phúc" để hình âm (đọc gần hoặc vần với chữ này). Nếu đọc rời thì thế này: trùng - phúc hoặc phúc- trùng (may mắn, hạnh phúc cứ đến nhiều lần, có khi hai lần một lúc). Họ cứ nói thế bất chấp chữ "trùng" là trùng lặp viết khác hẳn bộ "trùng", mà chữ "phúc" là may mắn không chỉ có bộ "phúc" mà có thêm bộ "thị". Miễn sao người ta nhìn vào đó và kêu lên :" Ơ kìa, phúc trùng!". Và dĩ nhiên, sòng bạc là nơi treo con dơi nhiều nhất.
Chữ "bức" là con dơi.
Trường hợp này cũng đúng với trường hợp chữ "phúc" viết lộn ngược treo ở cửa. Người Trung Quốc phát âm chữ "đảo" (là lộn ngược) và chữ "đáo" (đến, đến đây) như nhau. Truyện này có sự tích từ đời nhà Minh. Vào ngày Tết, một vị quan hay chữ viết chữ phúc rồi sai đầy tớ đem dán ở cửa. Anh này lười lại đùn đẩy cho một anh khác làm nhưng anh kia lại mù chữ nên treo ngược. Người đi qua cửa cứ chỉ trỏ nhau :"Ơ kìa, chữ phúc ngược" (Ô, phúc đảo). Ông này ở trong nhà cứ nghe thấy người ta nói :"Ơ, phúc đến đây kìa!" (Phúc đáo, vì "đảo" với "đáo" phát âm như nhau) thì mát ruột lắm, nghĩ thằng đầy tớ mát tay hay mình tốt phúc đây. Đến khi ra cửa mới biết nhưng ông chợt thấy hay, cứ để vậy. Về sau người ta cũng làm y như vậy.
Chữ viết là công cụ để lưu trữ thông tin, tức là kiến thức. Cái đó làm cơ sở cho tri thức đảm bảo được tính kế thừa để phát triển. Vì vậy, UNESSCO đã định nghĩa một "nền văn minh" phải là một tập hợp quần thể sống có trao đổi và lưu trữ thông tin (tức là có chữ viết, không phải ta cứ sô-vanh mà nói quá lên "văn minh sông Hồng"). Và khi chữ viết đã tồn tại nó sẽ tự đẹp lên rất nhiều.