Ltdra trích một đoạn vấn đáp của chuyên viên gia chánh Cẩm Tuyết nè mời các bác tham khảo hén.
Món phá lấu quen thuộc nhất được làm bằng bao tử và ruột non heo như phổi, gan , tim heo và cả bò nữa vẫn được dùng làm phá lấu với cách chế biến rất giản dị là tẩm ướp gia vị mà trong đó ngũ vị hương là chính, sau đó được chiên vàng và luộc lại cho mềm. Và đây có phải là cách làm căn bản của món ăn này chăng để từ đó người Tàu đặt tên và phát âm sao đó mà người Việt gọi là phá lấu không? Chuyện này thì mình mù tịt nhưng chính ông sư phụ ngừơi Tàu khi hướng dẫn cho Cẩm Tuyết cũng phát âm hai từ phá lấu tuy lơ lớ nhưng nghe khá giống người Việt nói ra. Thí dụ như người Việt nói hai chữ "sư phụ" thì trong phim Hồng Kông mình nghe diễn viên Tàu nói là "sư phọ" vậy. Mình đã hỏi "sư phọ" tại sao gọi là phá lấu? Ông ta hơi khựng lại rồi nói rằng ông thầy của ổng biểu làm "như dzầy, như dzầy"... thì gọi là phá lấu. Mình mới vặn vẹo rằng món ăn Trung Hoa có món gà cũng ướp, cũng chiên rồi cũng nấu mà tại sao không gọi là phá lấu. Tới đây thì ổng tím tái đi rồi nói rằng đây là lòng heo lòng bò chớ không phải thịt gà, làm bằng thịt gà thì làm sao mà gọi là phá lấu được. À, như vậy có thể chữ "lấu" có nghĩa là "lòng" phát âm theo lối Hán Việt chăng? Mình bèn tra tự điển, tìm được hàng chục từ ghép có chữ phá đi trước như là phá sản, phá hủy, phá liệt, phá lãng, phá lệ, phá tán v.v... nhưng chẳng thấy phá lấu đâu hết! Mình bèn cầu cứu một người bạn là chuyên gia Hán Nôm thì bị cự nự rằng chữ Tàu, tiếng Tàu... một chữ, một âm nhưng có khi chứa nhiều nghĩa, phải viết ra mới biết được. Lại trở lui gặp "sư phọ" nhờ viết ra giấy hai chữ phá lấu nhưng bị sự phọ "cự nự" luôn là "ngộ piết lấu thịt heo thịt bò chớ không piết dzẽ chữ lớ!" (Nhiều người Hoa vẫn dùng từ "vẽ" để trao đổi bằng tiếng Việt khi họ muốn nói chuyện viết chữ Tàu). Vậy là đến bây giờ mình vẫn mù tịt nghĩa của hai từ phá lấu, rất mong bạn đọc nào thông hiểu chữ Hán, xin góp ý cho để mọi người cùng tham khảo.