(tiếp theo)
Bẵng đi một thời gian, một buổi sáng chủ nhật, tôi vừa ngủ dậy, có tin nhắn. Tôi vội mở. Cậu em nhắn tin mời tôi uống cà phê. Vệ sinh, mặc áo quần xong, tôi đến chỗ hẹn. Đến nơi, tôi thấy cậu em tôi ngồi cùng bốn người khác. Sau khi bắt tay các vị khách, tôi được cậu em giới thiệu họ là những người có máu đam mê cá cảnh, đang săn lùng cá lạ. Cái mốt chơi cá cảnh hiện nay thật là lạ. Cá cảnh cũng có thời. Mỗi thời, mỗi khác. Lúc thì cá rồng, lúc thì cá dĩa, lúc thì cá mập... Tôi ngồi nghe họ bàn chuyện cá cảnh. Ngẫm lại mình sao “lạc hậu” thế không biết. Không có cái thú nuôi cá cảnh thì quả là chẳng sành điệu, chẳng sang trọng trong thời buổi hiện nay. Nhà cửa cao ráo rồi, đẹp sang rồi thì phải có hồ cá trong nhà cho hợp phong thủy. Có thế mới đúng điệu của kẻ có của. Mà có của, giàu có, ai không kính nể. Khối kẻ gặp thời, tiền vào tiền ra, trở nên giàu có, người ngoài nhìn vào muốn lé cả mắt. Tôi như lạc lỏng giữa những người cùng bàn.
Chuyện qua chuyện lại cũng là chuyện cá. Rồi chia tay. Cậu em tôi rủ tôi về nhà cậu. Cũng lâu hơn cả tháng thì phải, tôi chưa ghé nhà cậu, nên nhận lời. Tôi điện về nhà cho vợ biết là tôi ghé nhà cậu, tiện thể thăm ba mẹ vợ, chẳng là nhà em vợ tôi sát bên nhà ba mẹ vợ.
Đến nhà cậu em vợ, tôi vừa dựng xe vừa nói: “Chắc cậu mi khoe cá với anh?”.
Cậu em tôi cười hề hề: “Anh biết cả rồi mà còn hỏi”. Rồi cậu ta dẫn tôi đến hồ cá. Cậu khoe: “Anh thấy con la hán đẹp không?”
Tôi hỏi lại: “Mới mua con khác hả?”.
Cậu em vợ tôi chép miệng: “Đâu có mua bán gì. Vẫn con cũ. Lần trước, tưởng bán được, ai dè họ trả bèo quá. Với lại, khi họ đến xem cá, xem đi xem lại, cuối cùng lại nói thích nuôi cá mập chớ không phải là la hán. Thôi, đành chịu vậy”.
Tôi an ủi: “Cậu mi chịu thế là được đấy. Nuôi con chi cũng có duyên với mình thì mới nuôi được. Nó không muốn xa mình thì bán sao cho đành”.
Nghe tôi nói thế, cậu em tôi tiếp lời: “Mà con này cũng lạ lắm anh à. Nghe nói bán, nó không chịu ăn. Hai, ba ngày sau nó mới chịu ăn lại. Nghĩ cũng tội”.
Vừa nghe cậu em phân trần, tôi vừa nhìn con la hán. Nhìn kĩ nó, tôi thấy hiện lên những dòng chữ thật đẹp. Cả hai bên mình cá đều có chữ. Tôi loáng thoáng thấy những chữ. Lúc là chữ này, lúc là chữ nọ. Tôi không dám khẳng định đó là những chữ gì. Cậu em tôi chỉ vào mình cá, nói:
- Anh có thấy chữ trên mình nó không?
- Ừ, có thấy.
- Hồi mới nhìn những chữ ấy, em hoa cả mắt. Em thấy như những chữ trong công văn, giấy tờ ở cơ quan. Nhưng rồi dần dần cũng quen. Và từ đó, đối với em con la hán mang trên mình nó những chữ thật là ý nghĩa. Anh thấy bên này có bốn chữ “phúc lộc thọ toàn” không? Tuyệt quá phải không anh?
Tôi nhìn theo tay cậu em chỉ thấy loáng thoáng. Lúc con cá bơi ngược lại thì cậu em tôi nói đó là “tấn tài tấn lộc”. Tôi nhìn thấy loáng thoáng, có lẽ là “tấn tài tấn lộc”. Tôi nói:
- Cá có những chữ như thế chắc là cá quí, Xin chúc mừng!
Nói xong, tôi loáng thoáng thấy đâu đó những chữ, những chữ như làm nát đầu tôi. Những chữ la liệt trong giáo án của tôi. Rồi tôi thấy lúc thì “từ, bi, hỉ, xả”, lúc thì “công bằng, bác ái”, lúc thì “anh hùng, liệt sĩ”, lúc thì “vì nước, vì dân”...
Tôi chưa kịp định hình đó là những chữ gì, thì cậu em tôi tiếp lời:
- Từ ngày phát tín hiệu chữ nghĩa, con la hán chẳng ăn thứ gì cả. Lạ lắm anh à! Một buổi sáng, như lệ thường, em bỏ thịt bò vào cho nó ăn, nó bơi bơi lên đớp. Nhưng không hiểu sao, nó lại nhả ra. Em tưởng nó ớn thịt bò, nên vớt ra và kiếm cá con, tôm con cho nó. Nhưng nó chẳng thèm đụng đến tôm, cá. Em nghĩ nó có bệnh, lo muốn chết. Nhưng nó vẫn khỏe. Em tìm thức ăn cao cấp dành cho cá cảnh nhập từ Singapore, Nhật bản, nhưng nó cũng chẳng thèm để ý đến. Kể từ đó, nó không thèm ăn gì cả. Dù không ăn, nó vẫn cứ lớn. Đặc biệt, trên mình nó càng ngày càng đổi màu sắc. Mà thật là kì lạ. Mỗi người nhìn cá đều thấy chữ mỗi khác. Không ai giống ai cả.
Nghe cậu em kể vậy, tôi chỉ làm im. Biết nói gì cho phải...
Tin con cá la hán có những chữ đẹp trên thân mình lan truyền. Ai cũng đến xem. Từ ngày con cá trổ mã, phát tín hiệu chữ nghĩa, cậu em tôi bận thêm. Ngoài công việc ở cơ quan, khi về nhà, cậu em tôi phải tiếp những vị khách hiếu kì. Cậu ta phấn khởi lắm vì ai ai cũng trầm trồ khen cậu có con cá có một không hai. Con cá quả là kì lạ. Ai cũng thấy niềm ao ước của mình hiện trên thân con cá. Nếu bạn là người buôn bán, dù buôn bán lớn hay nhỏ, nếu nhìn vào thân cá thì sẽ đọc được dòng chữ “buôn may, bán đắt” ở bên này, còn bên kia chắc là dòng chữ “phi thương bất phú”. Nếu bạn là cán bộ tốt thì chắc hiện lên những chữ “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư” trên thân cá. Nếu bạn là cán bộ xấu, những chữ “cướp đêm là giặc...”, “miệng quan trôn trẻ” sẽ hiện lên lấp lánh, nhưng người khác chẳng đọc được những chữ ấy vì bị khúc xạ ánh sáng. Nếu bạn là người có quan tâm đến thời cuộc, chắc các bạn sẽ đọc được những chữ “độc lập, tự do”, “dân chủ, cộng hòa”... Rất nhiều chữ để bạn tưởng tượng cho thỏa lòng ao ước của bạn...
Một hôm, gần sáng, nằm bên vợ, tôi chợt thức giấc bởi tiếng gọi của vợ: “Ba điện em hồi hôm, nói hôm nay là giỗ Nội. Trưa đi dạy về qua luôn nghe”. Tôi ôm vợ, nói yêu: “Biết rồi! Em về trước lo nấu nướng nghe”. Tôi trở mình, hôn trán vợ, rồi dậy.
Hôm ấy, tôi trống tiết 3. Tôi xuống thư viện đọc báo mạng. Tôi mở máy. Tìm trang tin đọc. Vẫn vụ Tiên Lãng. Đã có kết luận của Thủ tướng. Ai đúng, ai sai thì đã rõ. Trong tôi lóe lên dòng chữ trên mình cá la hán: “Hoa cải Tiên Lãng”, “Dân cày có ruộng”. Tôi chuyển qua tin khác. Lại tin Bộ ngoại giao lên án hành động Trung quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi như thấy dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tổ quốc Việt Nam”, rồi đến các chữ “Bản Giốc, Cà Mau”, “Con Lạc, Cháu Hồng”...
Hết giờ dạy, tôi bần thần. Về nhà ba mẹ vợ cũng kịp giờ. Ăn giỗ xong, tôi xin phép về sớm để chiều đi kèm thêm. Tôi chẳng trò chuyện gì được với cậu em.
Tối về, trong bữa ăn, thằng con tôi nói:
- Ba ơi, cậu phóng sinh con la hán rồi.
Tôi hỏi:
- Sao lại phóng sinh?
Thằng con tôi nói tiếp:
- Dạ, con nghe cậu nói con cá khôn quá, ai nghĩ gì thì trên mình nó hiện ra chữ ấy. Cậu sợ liên lụy chữ nghĩa, nên cậu phóng sinh để cầu an.
Nghe con tôi nói vậy, tôi giật mình. Chữ nghĩa ơi! Có sống được không? Sao khổ thế không biết?

Tháng 3 – 2012
Phan Trang Hy

nguồn http://www.vanchuongviet.org/index.p...etail&id=18099